Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Bản tin sức khỏe ngày 22/4

Bản tin sức khỏe ngày 22/4 có những tin đáng chú ý: Tạm giữ hơn 2 tấn xúc xích nghi sử dụng phụ gia trái quy định; Tiêu hủy đàn heo nhiễm chất cấm salbutamol...

1. Tạm giữ hơn 2 tấn xúc xích nghi sử dụng phụ gia trái quy định

 

Ngày 21/4, Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện một cơ sở kinh doanh xúc xích nghi có sử dụng phụ gia thực phẩm trái quy định.

Theo đó, ngày 20/4, Đội QLTT số 14 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hùng Anh do ông Nguyễn Viết Xuân làm giám đốc, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 140C ngõ 351 Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội.

tin nong ngay 224 suckhoenhi.vn1
Phát hiện hơn 2 tấn xúc xích nghi sử dụng phụ gia trái quy định

Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định, toàn bộ số xúc xích cơ sở trên đang kinh doanh đều có hóa đơn chứng từ nhưng có dấu hiệu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng đối tượng thực phẩm quy định tại thông tư số 27/2012/TT_BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế. Đội QLTT số 14 đã tiến hành tạm giữ hơn 2 tấn xúc xích, tương đương với 38.000 chiếc xúc xích, có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Được biết, cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hùng Anh đã hoạt động được 2 năm. Xúc xích của cơ sở được phân phối đi các tỉnh phía bắc, các cơ sơ kinh doanh nhỏ lẻ và bán hàng rong.

2.  Tiêu hủy đàn heo nhiễm chất cấm salbutamol

Ngày 21/4, Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang tiêu hủy đàn heo 11 con (trọng lượng khoảng 50-60kg/con) tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Ngọc Lực ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.

tin nong ngay 224 suckhoenhi.vn2
Tiêu hủy đàn heo nhiễm chất cấm salbutamol

Chi cục Thú y Tiền Giang đã tiêm thuốc gây mê đàn heo rồi vận chuyển đến nơi tiêu hủy để đốt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đàn heo này bị phát hiện cho ăn chất cấm sabutamol khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đột xuất ngày 14/4.

Đặc biệt là trại chăn nuôi của ông Lực đã bị phát hiện sử dụng chất cấm tới ba lần. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, thanh tra Bộ NNPTNT làm việc với Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang và thành lập đoàn thanh tra đột xuất, lập biên bản vi phạm đối với ông Lực.

3. Phát hiện chất vàng ô trong măng ở TP.HCM

Sáng 21/4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đưa ra thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất phẩm màu nhuộm Auramine O (vàng ô) trong măng tươi và măng khô tại TP.HCM.

Theo đó, Chi cục triển khai lấy các mẫu măng tươi qua luộc và măng khô tại hai chợ trên địa bàn thành phố gửi Viện Y tế công cộng phân tích. Kết quả: 04/04 mẫu phát hiện có chất nhuộm màu vàng ô với hàm lượng 2 mẫu măng khô: 11,84µg/kg; 41,35µg/kg và 2 mẫu măng tươi luộc: 17,06µg/kg; 3108,94 µg/kg.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Chi cục đã tiến hành kiểm tra và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm măng tươi luộc và măng khô thông qua các cơ sở kinh doanh đã được phát hiện qua giám sát.

 

 

Đồng thời tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh măng tươi luộc, măng khô và sản phẩm có nguy cơ cao sử dụng chất vàng ô trên địa bàn thành phố.

 

4.  Cá biển chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung

Dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đều ghi nhận cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, trọng lượng tới 35 - 50kg.

Được biết hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng  Tư.

tin nong ngay 224 suckhoenhi.vn3
Cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, trọng lượng tới 35 - 50kg.

Sau đó, cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50kg.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc) qua kiểm tra môi trường nước, tác nhân gây bệnh, kết luận các yếu tố thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ không phải là nguyên nhân khiến cá chết. Nguyên nhân trực tiếp nhiều khả năng là các yếu tố gây độc trong nước, có thể từ nguồn nước thải chưa được xử lý đổ ra sông, biển.

5. Cẩn trọng với bệnh nguy hiểm thường gặp mùa nắng nóng

Theo bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), mùa nắng nóng, thời tiết hanh khô làm cho độ ẩm trong không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh ở trẻ như vi khuẩn, siêu vi khuẩn.

Đây là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm đường hô hấp cấp tính... Phụ huynh cần chủ động phòng ngừa những bệnh 'đến hẹn lại lên' trong mùa này.

Theo bác sĩ Đinh Thạc, nên phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng cho trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên, ăn uống hợp vệ sinh, giữ môi trường sống thông thoáng, tiêm ngừa vắc-xin, chủ động diệt trừ muỗi.

Chú ý bổ sung nước cho trẻ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ mát mẻ và có sức đề kháng tốt nhằm chống chọi với bệnh tật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét